“Mỗi biến cố có hai cách xử lý, một cách có thể giải quyết được biến cố, cách khác thì không. Nếu anh em của ngươi làm điều gì sai, đừng chăm chăm vào lỗi lầm, bởi vì cách xử lý này không giúp đỡ người đó được. Thay vào đó, hãy dùng cách còn lại — hãy nhớ rằng, đây là anh em của ngươi, hai người cùng lớn lên với nhau, rồi sau đó ngươi sẽ tìm ra phương thức giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.”
— EPICTETUS, ENCHIRIDION, 43
Nhà báo nổi tiếng William Seabrook đã suy nhược vì mắc chứng nghiện rượu đến nỗi vào năm 1933, ông đã tự mình đến nhà thương điên nơi ngày trước được dùng để điều trị chứng nghiện ngập. Trong hồi ký Asylum (Nhà thương điên — ND) của mình, ông kể lại câu chuyện về cuộc đấu tranh để thay đổi cuộc sống của mình ở nơi này. Lúc đầu, ông mắc kẹt với lối suy nghĩ nghiện ngập của mình — và kết quả là ông là người ngoài cuộc, liên tục gặp rắc rối và nổi loạn chống lại nhân viên. Ông gần như không cải thiện được tình hình và sắp sửa bị đuổi ra khỏi bệnh viện.
Rồi một ngày, câu nói của Epictetus — rằng tất cả mọi thứ có hai cách xử lý – làm ông thức tỉnh. “Bây giờ tôi đã có cách cai nghiện khác”. Ông bắt đầu có một thời gian tươi đẹp ở đó. Ông tập trung để phục hồi với tất cả sự nhiệt huyết. “Tôi đột nhiên thấy việc được tỉnh táo mới tuyệt vời, lạ kỳ và đẹp đẽ làm sao… Cứ như thể một tấm màn che, một màng bọc hay tấm phim được lấy ra khỏi đôi tai và đôi mắt tôi.” Đó là một trải nghiệm được chia sẻ bởi nhiều người nghiện khi cuối cùng họ ngừng làm mọi thứ theo cách của họ và thực sự mở rộng tư tưởng, trí tuệ và hấp thu bài học của những người đi trước.
Không có gì hứa hẹn rằng việc thử mọi thứ theo cách này — cách trái ngược với trước đây — sẽ mang lại một kết quả tuyệt vời. Nhưng sao cứ phải cố tiếp tục thử phương pháp hiện tại dù nó không hiệu quả chút nào?