“Sẽ chẳng còn lý do để sống, đồng thời sự thống khổ sẽ đi đến cùng cực nếu ta để nỗi sợ hãi chiếm ưu thế.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 13.12b
Trong những ngày đầu của giai đoạn Đại suy thoái, Franklin Delano Roosevelt, tổng thống Mỹ mới lên đã tuyên thệ và có bài phát biểu nhậm chức đầu tiên. Với cương vị là tổng thống cuối cùng giữ chức vụ trước khi Twentieth Amendment Tu chính án lần thứ 20) được phê chuẩn, Roosevelt đã không thể nhậm chức cho đến tháng 3. Điều này đồng nghĩa với việc nước Mỹ không có được sự dẫn dắt của tổng thống trong nhiều tháng. Không khí hoảng loạn tràn ngập nước Mỹ, các ngân hàng phá sản và rất nhiều người sợ hãi.
Có lẽ chúng ta đã biết đến câu “không có gì phải sợ trừ chính bản thân nỗi sợ” mà Roosevelt nói trong bài phát biểu nổi tiếng của ông, nhưng toàn bộ câu nói đó cũng rất đáng đọc, vì ta có thể áp dụng nó đối với tất cả những điều khó khăn trong cuộc sống:
“Hãy để tôi khẳng định niềm tin vững chắc của mình rằng điều duy nhất chúng ta phải sợ là chính bản thân nỗi sợ. Chính cái sự hoang mang chưa rõ ràng, cái nỗi sợ chưa được kiểm chứng đang làm tê liệt những nỗ lực cần thiết để biến nguy thành cơ.”
Những người thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ biết rằng thứ duy nhất đáng sợ chính là bản thân nỗi sợ vì sự thống khổ mà nó tạo ra. Những điều chúng ta sợ chẳng là gì so với thiệt hại mà chúng ta gây ra cho bản thân và những người khác khi chúng ta cố gắng tìm mọi cách để tránh nỗi sợ. Suy thoái kinh tế là xấu; nhưng sự hoảng loạn còn tồi tệ hơn. Sự hoảng loạn chỉ làm cho mọi thứ thêm khó khăn. Và đó là lý do tại sao chúng ta phải chống lại và từ chối nỗi sợ nếu muốn xoay chuyển tình thế.