“Không ai có thể bị gục ngã trước Vận mệnh trừ khi họ bị Vận mệnh đánh úp trước… Những người không tự đắc khi gặp thời, thì không bị chao đảo thời thế đổi thay. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người vững vàng luôn giữ cho tâm trí bất khả chiến bại, vì chính trong những thời điểm tốt đẹp họ có thể chứng minh được sức mạnh vượt lên nghịch cảnh.”
— SENECA, ON CONSOLATION TO HELVIA, 5.4b, 5b—6
Vào năm 41 sau Công nguyên, Seneca bị đày từ Rome đến Corsica, chúng ta không biết vì sao ông lại bị đày, nhưng họ đồn là ông đã ngoại tình với em gái của Hoàng đế. Một thời gian ngắn sau đó, ông gửi thư cho mẹ mình để trấn an và xoa dịu nỗi đau của bà. Nhưng bằng cách này hay cách khác, ông chắc hẳn cũng đã đối thoại với bản thân — tự trách một chút vì tai họa bất ngờ này.
Ông đã đạt được một số thành công chính trị và xã hội. Có thể ông đã lựa chọn những thú vui thể xác. Và giờ ông và gia đình đang phải đối mặt với hậu quả — cũng như chúng ta phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình và chấp nhận những rủi ro.
Seneca sẽ phản ứng như thế nào? Ông ấy sẽ đối phó với chuyện này ra sao? Chà, ít ra thì ông đã an ủi mẹ mình thay vì than vãn về cái tai họa đó. Mặc dù một số lá thư khác cho thấy Seneca đã cầu xin và vận động để có lại quyền lực và trở về Rome (yêu cầu cuối cùng đã được chấp thuận), có vẻ như ông đã chống đỡ khá tốt với nỗi đau và sự nhục nhã của việc bị đày. Triết học mà ông nghiên cứu từ lâu đã giúp ông chuẩn bị cho nghịch cảnh này, đồng thời cho ông sự quyết tâm và kiên nhẫn cần thiết để chờ cho nghịch cảnh kết thúc. Khi Seneca trở lại với vai trò của mình, triết học này đã ngăn cản ông xem quyền lực như điều hiển nhiên và giúp ông không bị phụ thuộc vào nó. Điều này rất có ích cho ông vì một lần nữa ông lại bị Vận mệnh trêu đùa. Khi vị Hoàng đế mới trút cơn thịnh nộ lên Seneca, triết học đã giúp ông chuẩn bị sẵn sàng.